Tăng cường an sinh xã hội cho lao động nữ: Mối quan tâm của ASEAN

08/05/2013 04:50

Trong 2 ngày 6-7/5/2013, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Viện Friedrich Ebert (FES) tại Singapore tổ chức Hội nghị khu vực về An sinh xã hội và chế độ thai sản cho lao động nữ: Luật pháp và thực tiễn trong ASEAN.

Tăng cường an sinh xã hội cho lao động nữ: Mối quan tâm của ASEAN
Hội thảo này là sự tổng hợp của hai sáng kiến thuộc Kế hoạch hành động của Hội nghị Quan chức cao cấp về lao động trong ASEAN (SLOM) và Kế hoạch hành động của Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) giai đoạn 2011-2015 mà Việt Nam được chọn là nước điều phối.
Hội thảo bao gồm 4 phiên thảo luận với chủ đề: Thúc đẩy an sinh xã hội đáp ứng giới trong ASEAN; Chế độ thai sản tại nơi làm việc trong ASEAN; Các cơ chế nhằm hài hòa hóa các chương trình an sinh xã hội trong khu vực – Chia sẻ các kinh nghiệm của EU và ASEAN; Các chiến lược cho việc cung cấp an sinh xã hội đáp ứng giới trong ASEAN.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Thanh Hòa cho biết: Mặc dù có rất nhiều cam kết được đưa ra nhằm tăng cường an sinh xã hội, song các vấn đề liên quan tới việc làm cho nhóm yếu thế, đặc biệt cho lao động nữ vẫn đang là vấn đề nổi cộm. Tỷ lệ lao động nữ tham gia vào lực lượng lao động trong ASEAN hiện thấp hơn nam giới, lao động nữ thường bị trả lương thấp hơn so với lao động nam. Ngoài ra, họ phải đối mặt với nhiều rào cản hơn khi tham gia lực lượng lao động so với nam giới, chẳng hạn họ phải nghỉ để sinh con và chăm sóc con nhỏ hoặc tham gia vào công việc gia đình mà không có thù lao. Điều này tạo ra khó khăn cho lao động nữ trong việc được hưởng các chế độ an sinh xã hội. Thứ trưởng hy vọng Hội thảo ngày hôm nay là cơ hội tốt để các chuyên gia, các đại biểu trong và ngoài nước cùng trao đổi và thảo luận về đáp ứng giới trong các khuôn khổ an sinh xã hội trong ASEAN, chia sẻ các bài học kinh nghiệm liên quan tới các chính sách và biện pháp thích ứng giới nhằm đảm bảo an sinh xã hội bình đẳng giữa nam và nữ.

 

Đông đủ các đại biểu trong khu vực ASEAN đến dự hội nghị.


Lao động nữ không chỉ phải đối mặt với các rào cản khi làm việc trong nước, lao động nữ di cư trong khu vực cũng gặp không ít khó khăn. Do vậy, các đại biểu đề xuất các nước trong khu vực cần đưa ra các chính sách nhằm tăng cường an sinh xã hội cho lao động nữ di cư thông qua việc thúc đẩy các hiệp định giữa các nước thành viên nhằm tăng cường sự phối, kết hợp các hệ thống an sinh xã hội để đảm bảo cho người lao động nữ di cư và gia đình họ tiếp cận được các chương trình tại nước tiếp nhận.
Về vấn đề bảo vệ thai sản tại nơi làm việc, các đại biểu cho rằng các hoạt động ở cấp quốc gia và khu vực cần được triển khai nhằm đảm bảo các quyền cơ bản cho lao động nữ như nghỉ thai sản, các lợi ích tiền mặt, chăm sóc sức khỏe, chống lại sự kỳ thị và bị sa thải… Chính phủ các nước trong khu vực ASEAN cũng cần quan tâm đến những lao động nữ ở nông thôn, lao động phi chính thức bởi họ rất cần biết đến những thông tin về chế độ thai sản hoặc các chính sách khác. Họ cần được hưởng chế độ chính sách giống những lao động ở khu vực chính thức.
Ông Erwin Schweisshelm - Trưởng đại diện Viện FES, tổ chức phi Chính phủ của Đức tại Việt Nam cho rằng, các chính sách quy định về người lao động ở Việt Nam cũng đã thực hiện rất tốt nhưng còn phải cải thiện hơn nữa như: các quy định về người lao động có hợp đồng lao động trên 3 tháng được các chế độ chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bởi điều đó liên quan đến bảo hiểm hưu trí. Việt Nam vẫn còn thiếu lực lượng giám sát việc thực hiện các chính sách này để làm sao có thể thực hiện tốt chính sách về người lao động, nhất là lao động nữ. Bởi không phải tất cả các nơi, các doanh nghiệp đều đóng bảo hiểm cho người lao động, nhất là cho lao động di cư.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng để giảm thiểu khoảng cách trong phát triển giữa các quốc gia thành viên của ASEAN, điều quan trọng là tăng cường các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và các gương điển hình trong quản lý lao động và thúc đẩy bình đẳng tại nơi làm việc bao gồm bình đẳng giới.
Kết quả của Hội nghị sẽ được báo cáo lên các Hội nghị Quan chức và Bộ trưởng của hai cơ quan chuyên ngành lao động và phụ nữ của ASEAN.

;
Mới nhất
Xem nhiều nhất

kartal escortgebze escort

Scroll