Dự
án VIEO022 về “Thúc đẩy quyền người cao tuổi (NCT) thiệt thòi tại Việt
Nam” do Trung ương Hội NCT Việt Nam triển khai tại 4 huyện Hoằng Hóa,
Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Hà Trung từ năm 2010 đến nay đã và đang mang lại
những hiệu quả thiết thực giúp các gia đình chính sách, hộ NCT nghèo và
cận nghèo có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Sau khi được chọn thí điểm triển khai dự
án, Hội NCT tỉnh đã phối hợp với Ban Chỉ đạo (BCĐ) Dự án VIEO022 chủ
động triển khai Dự án về “Thúc đẩy quyền của NCT thiệt thòi trên địa bàn
tỉnh Thanh Hóa” (gọi tắt là dự án); đồng thời, thành lập BCĐ cấp tỉnh,
huyện và các hội cơ sở nằm trong dự án. BCĐ cấp tỉnh đã thành lập 40 câu
lạc bộ (CLB) “Liên thế hệ tự giúp nhau” ở 20 xã thuộc các huyện được
thụ hưởng dự án, thu hút 2.202 thành viên tham gia, gần 300 tình nguyện
viên làm nhiệm vụ tiếp cận với các đối tượng khó khăn, tật nguyền không
thể tự chăm sóc cho bản thân. Mỗi CLB có 5 người tham gia ban chủ nhiệm.
Các thành viên ban chủ nhiệm CLB là những người có đủ điều kiện, thời
gian, vật chất, tinh thần và lòng nhiệt tình để tổ chức lãnh đạo hoạt
động của CLB đạt yêu cầu của BCĐ Trung ương đề ra.
Được thành lập ngay từ khi triển khai dự
án, đến nay CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” ở thôn Tự Nhiên, xã Hoằng
Trung (Hoằng Hóa), đã trở thành tổ ấm thứ hai của NCT. Tại đây, NCT
trong thôn được gặp gỡ, chia sẻ tình cảm và động viên nhau trong cuộc
sống, được hướng dẫn các kiến thức về chăm sóc, giữ gìn sức khỏe và được
vay vốn để ai còn sức khỏe thì sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống
mà không phải phụ thuộc nhiều vào con cháu.
Bà Nguyễn Thị Lài, chủ nhiệm CLB, cho biết:
“Trước đây, con cháu cứ cho rằng người già chỉ nghỉ ngơi, nhưng bây giờ
người già cũng làm kinh tế và cải thiện cuộc sống gia đình, đóng góp
kinh nghiệm và tri thức cho sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, khi tham gia
vào CLB chúng tôi có cơ hội phát huy khả năng của mình, ai ai cũng làm
việc, sinh hoạt rất sôi nổi, nhiệt tình và vui vẻ hơn”.
CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” ở xã Công
Liêm (Nông Cống) với sự tham gia của trên 50 thành viên cho thấy ý nghĩa
và tầm quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT. CLB
sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng với nhiều nội dung liên quan đến NCT. Các
thành viên cho biết, từ khi tham gia CLB, vị trí của họ trong gia đình
có sự thay đổi rõ rệt: con cái tôn trọng hơn, quan tâm hơn và bản thân
họ cũng có sự khoan dung, độ lượng hơn với con cái, vì vậy mà gia đình
đoàn kết, yên ấm hơn. Và đặc biệt, tham gia sinh hoạt tại CLB các thành
viên còn được nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe nên biết cách tự
chăm sóc bản thân.
Xác định được vấn đề quan trọng nhất đối
với NCT là sức khỏe nên công tác chăm sóc y tế cho các thành viên được
BCĐ dự án đặt lên hàng đầu. Qua hơn 2 năm thực hiện, BCĐ Dự án tỉnh,
huyện đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, trạm y tế các xã tổ chức
tư vấn, khám sức khỏe cho các thành viên trong CLB. Bên cạnh đó, BCĐ dự
án còn hướng dẫn và tập huấn cho các tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe
tại nhà cho những NCT cô đơn, tàn tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tiến hành nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ NCT tiếp cận với dịch vụ bảo hiểm y
tế để bảo đảm quyền lợi được chăm sóc y tế của họ. Nhờ những hoạt động
tích cực đó mà các thành viên CLB đã được nâng cao kiến thức, biết cách
tự chăm sóc bản thân và được chăm sóc chu đáo nên sức khỏe thể chất được
nâng lên.
BCĐ dự án từ Trung ương đến địa phương còn
có chính sách cho các thành viên trong CLB được vay vốn phát triển kinh
tế, nhiều hộ đã nâng cao thu nhập và giảm nghèo hiệu quả. Tính đến nay,
trên địa bàn các xã được thụ hưởng dự án đã có trên 1.000 người được vay
vốn với số tiền khoảng 4 tỷ đồng. Ngoài số tiền trên, BCĐ dự án các
huyện, xã và các CLB đã tự huy động nguồn vốn dưới hình thức đóng góp
của thành viên có thể tiết kiệm hàng tháng từ 5.000 –
10.000đồng/người/tháng, cộng với lãi suất cho vay, nâng số vốn lên trên
400 triệu đồng, giải quyết thêm cho trên 100 hộ NCT nghèo được vay vốn.
Với số vốn vay, các thành viên sử dụng để chăn nuôi, trồng trọt, kinh
doanh dịch vụ, tiểu - thủ công nghiệp... Nhờ đó mà đời sống kinh tế của
các thành viên CLB ngày càng được cải thiện, họ đã tự tin hơn trong cuộc
sống, hòa nhập nhiều hơn với cộng đồng, xã hội.
Dự án còn đem đến cho các thành viên một
đời sống tinh thần phong phú. Điểm nổi bật của dự án là nhằm nâng cao sự
hiểu biết lẫn nhau giữa các thế hệ, từ đó tạo sự gắn bó giữa các thành
viên trong gia đình và cộng đồng, hỗ trợ chăm lo và phát huy vai trò của
NCT. Vì vậy, đến với CLB, NCT không chỉ được trao đổi những kinh nghiệm
trong sản xuất, chăm sóc con cháu mà còn được sẻ chia, tâm sự về những
nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống, giúp họ xích lại gần nhau, giúp đỡ
nhau, cùng vượt qua khó khăn. CLB còn thường xuyên tổ chức hoạt động văn
hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, giao lưu giữa các CLB và giữa các
thế hệ với nhau.
Từ hiệu quả của việc xây dựng thí điểm 40
CLB, đến nay toàn tỉnh đã nhân rộng được 80 CLB “Liên thế hệ tự giúp
nhau” với 4.400 thành viên tham gia. Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2012-2016,
phấn đấu xây dựng thêm 200 CLB, riêng các huyện trong dự án sẽ xây dựng
thêm 40 CLB.