15h00 chiều ngày 28/11, Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" diễn ra tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.
Đây là sự kiện do Bộ LĐ-TB&XH, Ban Dân vân Trung ương, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp, cùng sự tham gia của các ban, ngành liên quan tổ chức.
Chiều nay, 400 gương mặt tiêu biểu rạng rỡ và bình dị đến dự Lễ tuyên dương, như chính những tấm lòng cao cả nhưng thầm lặng của họ với cộng đồng. Họ đến từ nhiều vùng miền và lĩnh vực khác nhau.
Đó là những thầy cô giáo dành cả cuộc đời đem con chữ cho những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang, cơ nhỡ; những người đã tự nguyện hiến tặng tất cả tài sản, đất đai, nhà cửa để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cô đơn, không nơi nương tựa, trẻ mồ côi; những người tham gia tích cực vào các chương trình của cộng đồng vì người nghèo, tự nguyện ủng hộ quyên góp hàng trăm tỷ đồng vào các chương trình thiện nguyện…
Mọi tâm huyết, yêu thương xuất phát từ trái tim, những nghĩa cử của họ cho đi đã đem đến cho bao mảnh đời được sẻ chia, được tiếp bước và viết lên những câu chuyện cuộc đời mình mà nếu không có sự trợ giúp của họ - 400 gương mặt tiêu biểu, và còn nhiều tấm lòng thiện nguyện nữa tuy không có mặt trong lễ tuyên dương hôm nay - nhưng họ đã tạo nên những câu chuyện cổ tích về lòng nhân ái giữa đời thường, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận đầy cảm động.
Người được ví như "ông Bụt" trong đời thường
Trước giờ diễn ra lễ tuyên dương, trao đổi với phóng viên báo Dân sinh về ý tưởng tổ chức Lễ tuyên dương này, các đại biểu tiêu biểu đều xúc cảm khẳng định: "Quá tuyệt vời! Rất bất ngờ! Và tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày được gặp các bạn bè từ bốn phương về đây, để thấy tình tương thân tương ái của dân tộc mình là lớn lắm", ông Bùi Công Hiệp (P.Long Phước, Q.9, TP.HCM) một trong 50 gương mặt tiêu biểu nhận bằng khen của Thủ tướng dịp này chia sẻ.
Đánh giá rất cao ý tưởng tổ chức chương trình này, ông Hiệp cười hạnh phúc: "Tôi hoạt động trong công tác này 10 năm nay, thú thật, đây là lần đầu tiên có sự kiện này và lại tổ chức lớn, quy mô, long trọng".
"Nên tôi rất trân trọng, và quý tấm lòng của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, bởi lẽ để có chương trình này, tôi hiểu, người "thiết kế" thầm lặng đằng sau sự kiện là tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung. Cảm ơn ông đã có những sáng kiến hay, và thật sự có tâm huyết. Chương trình tiếp thêm động lực, nhân rộng hơn những tấm lòng, sẻ chia, giúp đỡ những phận người…", ông Bùi Công Hiệp xúc động nói.
"Cô biết không, khi được báo ra Hà Nội trao bằng khen, bất ngờ lắm. Bản thân tôi rất xúc động, các con tôi vui sướng: "Bố ơi, bố ra Hà Nội, Thủ tướng trao bằng khen đấy. Bố cho con theo với", người đàn ông ngoài 60 tuổi, cười nhân hậu và đưa tay ngăn giọt nước mắt vui mừng xen lẫn xúc động đang chực rơi nơi khóe mắt.
Kể về câu chuyện đầy cảm động, ông Hiệp cho biết, 10 năm trước, sau khi về hưu, ông tích lũy được một số tiền để mua một khu đất rộng hơn 2.500 m2 ở quận 9 để thực hiện ước nguyện xây một căn nhà bé bé để hai vợ chồng về nghỉ ngơi, tuy nhiên, chứng kiến cảnh các em bé không có mái ấm, ông Hiệp bàn với vợ thay vì xây nhà cho mình thì xây căn nhà 3 tầng để làm mái ấm cho các trẻ em mồ côi nương tựa.
Để cho các con có mái ấm chính thức, năm 2010, ông Hiệp đã lên UBND quận 9 xin phép mở mái ấm có tên "Thiên Thần".
Đánh giá cao ý tưởng tổ chức chương trình, Bùi Công Hiệp cười hạnh phúc: "Tôi hoạt động trong công tác này 10 năm nay, đây là lần đầu tiên có sự kiện này và tổ chức lớn, quy mô, long trọng.
Nên tôi rất trân trọng, và quý tấm lòng của Bộ trưởng Bộ Lao động – TB&XH, bởi lẽ để có chương trình này, tôi hiểu, người "thiết kế" thầm lặng đằng sau sự kiện là tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung.
Cảm ơn ông đã có những sáng kiến hay, và thật sự có tâm huyết. Chương trình tiếp thêm động lực, nhân rộng hơn những tấm lòng, sẻ chia, giúp đỡ những phận người…"
Từ năm đó đến nay, vợ chồng ông đã đưa nhiều trẻ mồ côi về chăm sóc, nuôi dưỡng, với số lượng đã lên đến hơn 100 cháu bé mồ côi. Trong đó, bé nhỏ nhất mới vài ngày tuổi và bé lớn nhất mới 8 tuổi.
Mái ấm có 10 bảo mẫu được ông Hiệp thuê thay phiên chăm sóc trẻ. Nhưng những việc như nấu ăn, đưa đón các con đi học mỗi ngày, lo cho các con ngủ mỗi trưa, mỗi tối đều do ông Hiệp tự tay làm.
Ngoài mong muốn các con khỏe mạnh, ông Hiệp cũng quan tâm việc khi lớn lên, ra khỏi mái ấm các con phải biết bơi lội và đặc biệt là ngoại ngữ, tin học. Điều đặc biệt hơn, năm 2019, ông đã làm giấy trao tặng 2.500m2 đất và căn nhà 3 tầng trị giá hơn 100 tỷ đồng để làm mái ấm cho trẻ mồ côi.
Với tấm lòng cao cả mà thầm lặng đó, ông được bà con lối xóm ví như "ông Bụt" trong đời thường. Ông cũng là một trong 50 đại biểu vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dịp này.
Yêu thương, chăm sóc là sự mệnh
Đó cũng là những cá nhân có thành tích xuất sắc, đã có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng trong nhiều năm qua, như trường hợp bác sĩ Nguyễn Thị Xuân, người có hơn 30 năm sống và phục vụ bệnh nhân phong khuyết tật tại Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh. Chăm sóc giúp bệnh nhân tập luyện phục hồi chức năng giúp bệnh nhân phục hồi cả về tinh thần lẫn sức khỏe.
Với bác sĩ Nguyễn Thị Xuân, quá trình gắn bó với sứ mệnh chăm sóc bệnh nhân phong là một kỷ niệm buồn với một người bác sĩ, khi chứng kiến một cụ già ở trại phong từ giã cõi đời trong cảnh cô đơn, không người thân, không một tiếng khóc, không một vành khăn trắng, tôi đã quyết định gắn bó với nơi đây…
Đặc biệt, bà còn phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ tiền cho bệnh nhân phong nghèo xây nhà, giúp vốn chăn nuôi cho 131 hộ, mỗi hộ 8-10 triệu đồng, Mua 173 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh.
Hàng năm hỗ trợ 50 suất học bổng cho học sinh, sinh viên Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh. Thường xuyên kết hợp với nhiều nhả hảo tâm tổ chức các cuộc giao lưu đoàn kết cho bệnh nhân và con em của bệnh nhân phong của 12 khu điều trị phong của miền Bắc.
Những hy sinh, sẻ chia thầm lặng!
Ni sư Như Trí (Văn Thị Thu Thủy), Trụ trì chùa Diệu Giác, Phó Giám đốc Nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi chùa Diệu Giác, Thành phố Hồ Chí Minh là một trường hợp đặc biệt khác.
Trước giải phóng năm 1975, ni sư cùng quý sư cô mở lớp học tình thương xóa nạn mù chữ cho xóm nghèo tại địa phương. Năm 1989, chính thức thành lập Nhà tình thương Diệu Giác có địa chỉ tại 177 Trần Não, Phường Bình An, Quận 2, và hoạt động đến hôm nay, mỗi ngày số lượng trẻ bị bỏ rơi càng tăng.
Hiện tại mái ấm đang nuôi giữ 66 em ở độ tuổi từ sơ sinh đến 20 tuổi. Phần lớn các em trong độ tuổi học tiểu học, một số em đang học cấp 3, một số khác học nghề tại các trường cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, ni sư còn chăm sóc những người nhiễm HIV và chính thức thành lập Phòng tư vấn HIV/AIDS hỗ trợ cộng đồng trên địa bàn quận 2 vào năm 2001. Ni trưởng cũng luôn tìm đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ, sửa chữa, xây nhà, đào giếng và làm cầu tại các tỉnh, thành từ Bắc vào Nam.
Những trận lũ lụt xảy ra mỗi năm ở miền Trung và miền Tây ni trưởng luôn âm thầm đi cứu trợ. Ngoài ra hằng năm còn phát quà cho người nghèo tại địa phương vào những dịp lễ, chỉ mong họ có được cuộc sống bình yên.
Hay tấm gương Đoàn Thị Khuyên cũng là một điển hình. Chia sẻ câu chuyện 17 năm tham gia vào chương trình hỗ trợ giúp đỡ người nhiễm HIV vươn lên tại cộng đồng, chị Đoàn Thị Khuyên kể câu chuyện cuộc đời mình. Tin sét đánh ập đến với chị trong lần xét nghiệm cách đây 17 năm, bác sĩ xác định cả gia đình chị đều bị nhiễm HIV.
"Khi đó, cộng đồng chưa hiểu biết nhiều về HIV nên gia đình tôi bị kỳ thị rất nhiều", chị nhớ lại.
Chị Khuyên cho biết: "Nhưng sau này, với sự giúp đỡ của cán bộ các sở ngành và với sự quan tâm của cộng đồng. Tôi đã vượt qua cú sốc lớn về tinh thần, vượt lên số phận để ổn định cuộc sống".
Chính nhờ sự giúp đỡ này, chị càng có ý thức, trách nhiệm lớn hơn với cộng đồng. Ngay từ thời điểm đó, chị đã có mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé với cộng đồng với mong muốn để mọi người không bị lây nhiễm HIV...
Đây chỉ là một vài điển hình xuất sắc mà chúng tôi có thời gian trao đổi nhanh bên lề sự kiện. 400 gương mặt từ bốn phương về Hà Nội hôm nay, là những tấm gương sáng thầm lặng, bằng trái tim và sự nhiệt huyết của mình đang hàng ngày chăm lo cho cộng đồng xã hội, cho những người yếu thế, thiệt thòi hơn trong cuộc sống nhưng hết sức bình dị, đời thường, bằng những công việc, hành động thầm lặng vì cộng đồng, không đòi hỏi điều gì lớn lao ở xã hội.
Đó là những con người ngày đêm chăm lo phần mộ các anh hùng, liệt sĩ, tình nguyện tìm kiếm thông tin liệt sĩ; đó là người khuyết tật nhưng tự vươn lên và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật khác;
Đó là người âm thầm cứu chữa, chăm sóc những bệnh nhân phong, hủi suốt 30 năm qua; đó là người bị nhiễm HIV/AIDS vượt qua số phận, tuyên truyền, động viên những người bị nhiễm khác và tạo việc làm cho họ;
Đó là người lái xe cứu thương ngày đêm không quản ngại khó khăn, gian khổ đưa đón bệnh nhân; đó là người hiến đất làm Trung tâm bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi và các đối tượng yếu thế; đó là người hiến máu nhiều lần nhất đất nước để góp phần cứu mạng sống con người; đó là những nhà hảo tâm, thiện nguyện hết lòng vì cộng đồng, vì xã hội,...
Và những câu chuyện cổ tích về tình tương thân tương ái, được những tấm lòng cao cả mà thầm lặng ấy viết lên đẹp đẽ giữa đời thường. Hôm nay đây, ngày 28/11 tại Hà Nội, 400 bông hoa đẹp đang cùng tụ hội, dự Lễ Tuyên dương tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.