Nghị
định hướng dẫn Luật NKT được xây dựng với mục đích tiếp tục cụ thể hóa
các quy định của luật, giúp các quy định này sớm đi vào cuộc sống, tạo
điều kiện cho NKT hòa nhập cộng đồng.
Trên cơ sở đó, phạm vi điều
chỉnh gồm việc qui định chi tiết một số điều của Luật NKT về dạng tật,
mức độ khuyết tật; nghiên cứu quy trình đào tạo chuyên gia, kỹ thuật
viên, sản xuất trang thiết bị dành cho người khuyết tật; chế độ phụ cấp
và chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên hỗ
trợ giáo dục NKT; miễn giảm giá vé và phí dịch vụ; thiết kế các phương
tiện giao thông, công trình công cộng thân thiện với NKT. Tiếp đó là
phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật sẽ bằng tiền lương 1 giờ dạy
của giáo viên x 0,2 x tổng số giờ thực tế giảng dạy ở lớp có NKT. Đặc
biệt là việc nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với các trường hợp
NKT nặng là trẻ em, người cao tuổi từ mức 180.000 đồng/người trước đây
lên 450.000 đồng/người. Đối với người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc NKT
đặc biệt nặng cũng sẽ được nhận mức hỗ trợ 270.000 đồng/tháng.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng
Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh
phát triển kinh tế- xã hội, Đảng và Nhà nước ta cũng đặc biệt quan tâm
tới các đối tượng yếu thế, trong đó có người khuyết tật thông qua việc
ban hành các văn bản, chính sách liên quan. Và gần đây nhất, Quốc hội đã
thông qua Luật Người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày
1/1/2011, góp phần nâng cao vai trò và vị thế, tạo cơ hội cho NKT hoà
nhập cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người khuyết tật có cuộc sống
khó khăn, chưa được đào tạo nghề và có việc làm ổn định. Việc tiếp cận
với các vấn đề trợ giúp như chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, giáo
dục, đào tạo, giao thông của NKT cũng còn nhiều bất cập, hạn chế...
Do vậy, để Luật NKT sớm đi vào cuộc sống, Thứ trưởng đề nghị, các đại
biểu thẳng thắn thảo luận, góp ý cho dự thảo nghị định hướng dẫn để văn
bản pháp luật này có thể cụ thể hoá những nội dung của luật, đáp ứng
được nhu cầu, nguyện vọng của NKT. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan
cũng cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia góp
ý dự thảo. Đặc biệt, các cơ quan thông tin truyền thông cần đẩy mạnh
hơn nữa việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước về NKT để người khuyết tật được thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính
sách ban hành.
Được biết, thời gian qua, Cục Bảo trợ Xã
hội đã tổ chức nhiều hội thảo, các hội nghị tham vấn nhằm nghiên cứu
về tất cả các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội cùng với các tổ chức
trong và ngoài nước. Với mục tiêu tiếp cận cũng như phát hiện sớm các
đối tượng cụ thể để thực hiện phục hồi chức năng, cải thiện trình độ văn
hóa cho người khuyết tật nhằm nâng cao đời sống văn hóa xã hội, đảm
bảo đời sống vật chất cũng như tâm tư tình cảm của số đối tượng này.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục
Bảo trợ Xã hội giới thiệu nội dung của Luật Người khuyết tật và dự thảo
nghị định hướng dẫn thi hành. Theo đó, dự thảo sẽ gồm 4 chương, quy
định về các vấn đề: dạng tật, mức độ khuyết tật, chính sách giáo dục,
hỗ trợ tạo việc làm cho NKT, chính sách bảo trợ xã hội, xã hội hoá các
hoạt động trợ giúp NKT... Trong đó, đáng chú ý là việc nâng mức trợ cấp
xã hội hàng tháng cho đối tượng là trẻ em và người cao tuổi là người
khuyết tật đặc bịêt nặng từ mức 180.000 đồng (theo Nghị định 13) lên
450.000 đồng và có quy định chế độ trợ cấp đối với người nhận nuôi
dưỡng, chăm sóc NKT đặc biệt nặng là 270.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe hướng dẫn và chia nhóm thảo luận
về dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định qui định chi tiết và
hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật, trong đó có nêu rõ những thuận
lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.