Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội), mặc dù chưa hình thành đội ngũ cán bộ nghề CTXH chuyên nghiệp, nhưng thời gian qua, thông qua việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, khuyết tật, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội đã nâng trình độ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phát triển cộng đồng của một bộ phận cán bộ làm công tác xã hội. Tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác xã hội các cấp đã được kiện toàn và phát triển, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của các đối tượng. Hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 1.000 cán bộ làm công tác xã hội trong các lĩnh vực khác. Đội ngũ cán bộ đa số được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, có chuyên môn, đã thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội trong từng lĩnh vực, từng ngành chức năng. Toàn tỉnh có 3 cơ sở bảo trợ xã hội (Trung tâm bảo trợ xã hội, Làng trẻ em mồ côi, Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội) hàng năm thực hiện tiếp nhận, quản lý thường xuyên hàng trăm đối tượng già cả cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa và các đối tượng xã hội khác...

Triển khai thực hiện Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, tỉnh Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu đến năm 2015, sẽ xây dựng, kiện toàn và phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trong toàn tỉnh, đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có từ 01- 02 cán bộ, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định. Tiếp nhận tuyển dụng 100 cán bộ có bằng cấp, chứng chỉ nghề CTXH vào các cơ quan cấp tỉnh, huyện, thành phố và thị xã hội. Xây dựng 02 mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH trực thuộc thị xã Hồng Lĩnh và huyện Kỳ Anh. Đào tạo và đào tạo lại 150 cán bộ CTXH và tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho 500 lượt người.
Trong giai đoạn 2016- 2020, tỉnh sẽ tuyển dụng 200 cán bộ có bằng cấp, chứng chỉ nghề CTXH, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho toàn bộ số cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, cá cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH. Nghề công tác xã hội phát triển là cơ sở cho việc đào tạo, sử dụng, tuyển dụng các sinh viên công tác xã hội vào đúng vị trí công tác chuyên môn, từng bước chuyên môn hoá nghề công tác xã hội, thúc đẩy phát mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Theo đó, trên tinh thần đề án chung của Chính phủ, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch cụ. Sở Lao động- TBXH đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể phổ biến các chính sách, văn bản liên quan đến đề án, tổ chức tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ thêm về nghề CTXH. Trong năm 2011, tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nội dung của đề án, và các văn bản hướng dẫn thực hiện cho 669 người là cán bộ làm công tác xã hội từ tỉnh, huyện, các xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp các ngành, cán bộ địa phương cơ sở hiểu biết về nghề công tác xã hội, về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ Công tác xã hội. Cung cấp các văn bản, tài liệu về nghề công tác xã hội cho các địa phương, đơn vị để chủ động nghiên cứu các vấn đề liên quan. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng giới thiệu về nghề công tác xã hội thông qua các tin, bài.... nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức điều tra, rà soát nhu cầu đào tạo, đào tạo lại nghề công tác xã hội, qua đó đã có 1.084 người đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, và các địa phương có nhu cầu được đào tạo ở các cấp, bậc khác nhau như trung học, cao đẳng, đại học và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về nghề công tác xã hội. Trên cơ sở đó đã mở được 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 309 người, với tổng kinh phí 600 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ trong năm 2011. Trong năm 2012, tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nghề CTXH cho 200 người, đào tạo trình độ đại học hệ vừa học vừa làm cho 80 người trong thời gian 4,5 năm. Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh đã hoàn thiện đề án hình thành Văn phòng cung cấp dịch vụ nghề công tác xã hội gửi Sở Nội vụ, Sở Lao động-TBXH tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định thành lập. Khi Trung tâm được thành lập và đi vào hoạt động sẽ đẩy nhanh tiến độ phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ trợ giúp các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện đề án, tỉnh đã gặp phải một số khó khăn nhất định như kinh phí bố trí cho đề án còn ít. Năm 2011, tỉnh được bố trí 600 triệu đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng cho công tác đào tạo tập huấn, năm 2012, kinh phí trung ương phân bổ 300 triệu đồng. Thêm nữa, đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác xã hội, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn còn thiếu, đa số chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng về nghề công tác xã hội, kinh nghiệm công tác, chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, nhất là đội ngũ cán bộ làm trực tiếp làm việc với đối tượng xã hội nên gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn và thực hiện chính sách xã hội ở cơ sở. Trong những năm qua, để trợ giúp các đối tượng bảo trợ, yếu thế trong xã hội, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách như: tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trợ cấp xã hội hàng tháng và tiếp nhận, chăm sóc nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Song trên thực tế, Hà Tĩnh vẫn là một tỉnh nghèo, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, kinh tế chậm phát triển, việc thực hiện chính sách xã hội ở một số nơi chưa đảm bảo, thiếu kịp thời. Đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là các gia đình chính sách, người tàn tật, già cả neo đơn, trẻ em mồ côi mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa tiếp cận một cách đầy đủ các cơ chế chính sách nhà nước, công tác dịch vụ xã hội chưa phát triển, nguồn nhân lực và bộ máy thực hiện nghề công tác xã hội còn nhiều hạn chế.
Trong thời gian tới, thực hiện kế hoạch, Sở Lao động- TBXH với tư cách là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND tỉnh về thực hiện đề án phát triển nghề CTXH sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức, rà soát, thống kê, phân loại cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong các ban, ngành, các lĩnh vực xã hội, các trung tâm xã hội, cán bộ xã phường; các nhóm đối tượng và dịch vụ công tác xã hội. Áp dụng mã số ngạch, chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội tại các cơ sở có viên chức công tác xã hội trên địa bàn. Hướng dẫn thực hiện đúng tiêu chuẩn, đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội. Củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội. Cụ thể sẽ thành lập, đầu tư xây dựng Văn phòng cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm bảo trợ xã hội Hà Tĩnh và 02 mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội trực thuộc thị xã Hồng Lĩnh và huyện Kỳ Anh. Tiếp nhận, tuyển dụng 300 cán bộ đã được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ nghề công tác xã hội, trong đó ưu tiên tại các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, các ngành có liên quan. Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ về công tác xã hội cho 300 người. Tổ chức tập huấn kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho 1.000 lượt cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội cấp cơ sở.
Thu Hương