TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Lễ bế giảng
Tham dự Lễ bế giảng có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng; ThS. Nguyễn Thị Liên, Giảng viên Khoa Công tác xã hội (Trường Đại học Lao động- Xã hội); các thầy cô giáo tham gia giảng dạy cùng hơn 50 học viên của lớp học. Đây là các học viên đến từ các Trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, trường phục hồi chức năng có hoạt động công tác xã hội, can thiệp trị liệu cho trẻ tự kỷ.
Phát biểu tại Lễ bế giảng, TS. Nguyễn Văn Hồi gửi lời cám ơn tới các thầy, cô giáo đã rất trách nhiệm, tâm huyết trong công tác giảng dạy, đồng thời nhấn mạnh, chương trình đào tạo công tác xã hội với trẻ tự kỷ đi qua 4 năm có thể khẳng định là chương trình đào tạo tốt, đáp ứng yêu cầu cho chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Sau 4 khóa đào tạo, chương trình ngày càng thu hút sự tham gia, chú ý của các thầy, cô giáo không chỉ ở riêng ngành Lao động - TBXH mà cả ngành Giáo dục và đào tạo.
Đồng chí Cục trưởng cũng cho rằng, lĩnh vực tâm thần và trẻ tự kỷ đang là vấn đề lớn được Chính phủ, Quốc hội quan tâm, được đưa vào lồng ghép trong Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021-2030. Trong đó có xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp đặc thù cho nhóm đối tượng này, với mục tiêu tổng thể là đảm bảo tất cả trẻ tự kỷ được chăm sóc, phục hồi chức năng và hòa nhập cộng đồng.
Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi trình bày khái quát về người khuyết tật và trẻ tự kỷ tại Việt Nam, các chính sách pháp luật đối với nhóm đối tượng này
Về phía Cục Bảo trợ xã hội, trong thời gian tới tiếp tục trình 2 Đề án liên quan là: Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021-2030; Đề án Phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó quan tâm sâu về phát triển dịch vụ công tác xã hội cho tất cả các lĩnh vực. Về mặt chế độ, chính sách với đối tượng, ngay trong tháng 9 này sẽ trình Chính phủ sửa Nghị định 136 theo hướng nâng mức trợ cấp xã hội và mở rộng nhóm đối tượng thụ hưởng cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, cố gắng bảo đảm đời sống tối thiểu cho những người khó khăn, trong đó có trẻ tự kỷ. Trong giai đoạn 2021-2025, tham mưu Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ tổng kết đánh giá Luật Người khuyết tật, sửa Luật cho phù hợp hơn đối với trẻ tự kỷ.
Các đại biểu và học viên tham gia Lễ bế giảng
Còn đối với các học viên, Đồng chí Cục trưởng cũng đề nghị cần bám sát mục tiêu là chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, không để các trẻ tự kỷ không được can thiệp bởi những bàn tay, trí óc chuyên nghiệp. Những cơ sở đã có hoạt động can thiệp cần phấn đấu kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, các dịch vụ theo hướng toàn diện hơn. Còn với những cơ sở chưa đưa vào hoạt động can thiệp thì cần xây dựng chương trình can thiệp chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ tự kỷ. Đây là mục tiêu lâu dài, xuyên suốt từ nay đến năm 2025. Cùng với đó là hoan nghênh các mô hình can thiệp công lập, ngoài công lập nhưng phải đảm bảo dịch vụ tốt đáp ứng nhu cầu của trẻ tự kỷ. Ngoài ra, các học viên cần tham mưu với đơn vị cải tiến cơ sở vật chất, kiện toàn lại các tiêu chí điều kiện của đơn vị, thấp nhất phải đạt yêu cầu theo Nghị định 103 về các loại hình cơ sở bảo trợ xã hội. Trong công tác chăm sóc phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ không phải chỉ có ngành y tế, mà can thiệp trị liệu toàn diện cả về giáo dục, tâm lý, công tác xã hội, vật lý trị liệu.
Đại diện học viên phát biếu ý kiến
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Cũng tại Lễ bế giảng, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao tinh thần học tập nghiêm túc của các học viên, nhất là trong điều kiện vừa học vừa dành thời gian giải quyết công việc ở cơ quan, đơn vị. Đồng thời trao Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học đào tạo nghiệp vụ công tác xã hội với trẻ tự kỷ Khóa IV năm 2020 cho các học viên.
Theo ThS. Nguyễn Thị Liên, Trường Đại học Lao động - Xã hội, đây là khóa học để lại nhiều ấn tượng nhất bởi ý thức học tập rất nghiêm túc, sự chăm chỉ, tinh thần chuyên nghiệp, học hỏi của các học viên. Giữa giáo viên và học viên không có khoảng cách mà thay vào đó là sự trao đổi, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển. Tự kỷ là vấn đề được xã hội rất quan tâm hiện nay. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ cho người khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng. Trong đó, Cục Bảo trợ xã hội đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn, biên soạn giáo trình tài liệu để chuyên nghiệp hóa dần hoạt động công tác xã hội. Việc hỗ trợ trẻ tự kỷ là một quá trình lâu dài, với sự can thiệp không chỉ về mặt kinh tế, can thiệp bằng thuốc mà đòi hỏi phải cung cấp các dịch vụ can thiệp một cách toàn diện và liên tục. Bên cạnh đó còn can thiệp về mặt xã hội, tâm lý, phục hồi chức năng, hỗ trợ về sinh kế cho gia đình có trẻ tự kỷ để cha mẹ trẻ, gia đình trẻ có thể nhận thức được một cách sâu sắc vấn đề trẻ tự kỷ, cùng hỗ trợ đồng hành điều trị và phục hồi cho con em mình.
ThS. Nguyễn Thị Liên mong muốn Cục Bảo trợ xã hội tiếp tục tạo điều kiện tổ chức các khóa tập huấn để trang bị những kiến thức một cách chuyên nghiệp bởi vì thực tế hiện nay có nhiều cơ sở tư nhân trị liệu cho trẻ tự kỷ được thành lập song vẫn còn nhiều khoảng trống về can thiệp, chăm sóc và phục hồi chức năng. Do vậy, việc đào tạo cung cấp một cách toàn diện, liên tục các dịch vụ công tác xã hội cho trẻ tự kỷ và gia đình, hướng đến một tương lai tốt đẹp cho trẻ là rất quan trọng và cần thiết./.