Từ khi được thành lập đến nay, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp NKT giải quyết những vấn đề gặp phải như: Tổ chức các hoạt động tư vấn trực tiếp tại đơn vị, tại gia đình và cộng đồng. Do NKT là những đối tượng yếu thế, bị khiếm khuyết một bộ phận nào đó của cơ thế nên việc đi lại, sinh hoạt, tiếp cận với các dịch vụ xã hội còn nhiều hạn chế, đồng thời do người dân cũng như NKT trên địa bàn tỉnh chưa có thói quen sử dụng dịch vụ công tác xã hội nên Trung tâm đã cử nhân viên công tác xã hội chủ động đến với cộng đồng để cung cấp các dịch vụ, lồng ghép công tác tuyên truyền, tư vấn, kết nối, can thiệp và hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng.
Triển khai Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 -2020 và chỉ đạo của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH), tháng 7/2015, Sở Lao động - TBXH tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh triển khai Dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT trên địa bàn tỉnh. Thông qua dự án, Trung tâm tiến hành xác định nhu cầu cần trợ giúp của NKT, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch trợ giúp, điều phối các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội để giúp NKT ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đối tượng được hỗ trợ là những hộ gia đình có NKT thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 xã Bộc Nhiêu và Đồng Thịnh (huyện Định Hóa). Trước mắt, Dự án lựa chọn 27 hộ gia đình NKT để hỗ trợ giống chăn nuôi tăng gia sản xuất. Cụ thể, mỗi hộ gia đình sẽ được hỗ trợ 7 triệu đồng để mua trâu hoặc bò giống sinh sản; 6,5 triệu đồng mua lợn giống sinh sản; 6 triệu đồng mua gà giống đẻ trứng; 6,5 triệu đồng mua ngan giống đẻ trứng; 5 triệu đồng mua gà giống nuôi thịt. Sau khi tiến hành hỗ trợ giống vật nuôi, Trung tâm sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát về kỹ thuật và cách chăm sóc gia súc, gia cầm của các hộ gia đình như: Trang bị kiến thức, cách chăm sóc vật nuôi; cách phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm theo mùa; cách vệ sinh chuồng trại và xung quanh chuồng trại. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành sơ tổng kết dự án và đề xuất các giải pháp phù hợp.
Theo bà Phùng Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên, với mong muốn tạo công ăn việc làm giúp NKT ổn định cuộc sống, thoát khỏi mặc cảm tự ti là gánh nặng cho gia đình và xã hội, trong những năm qua, chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT luôn được coi là một trong những chương trình lớn, được các ban, ngành trong tỉnh quan tâm. Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 35 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có gần 15 nghìn NKT. Mặc dù công tác trợ giúp NKT đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một bộ phận NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không được đảm bảo các quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và học tập, có việc làm ổn định cuộc sống. Đa số các trường hợp này thuộc hộ nghèo, không có kinh phí, điều kiện để tổ chức lao động sản xuất ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Triển khai Dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT, Trung tâm đã tổ chức khảo sát 100 NKT và hộ gia đình có NKT tại 2 xã Đồng Thịnh và Bộc Nhiêu của huyện Định Hóa và đã lựa chọn được 27 NKT và gia đình có NKT đủ điều kiện tham gia mô hình thí điểm trợ giúp NKT. Trên cơ sở đó, đã tiến hành giao giống vật nuôi (gia súc, gia cầm), cụ thể trao 3 con trâu, 1 con bò và hàng nghìn con lợn, gà, ngan để các hộ gia đình chăn nuôi phát triển kinh tế, sớm có cơ hội thoát nghèo. Điển hình như trường hợp gia đình anh Khúc Văn Dương, sinh năm 1990 ở xóm Vân Nhiêu, xã Bộc Nhiêu được hỗ trợ từ Dự án thí điểm mô hình sinh kế cho NKT. Anh Dương bị khuyết tật hệ vận động, liệt nửa người, gia đình thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Nhiều năm qua, gia đình anh luôn ao ước có một công việc để ổn định cuộc sống. Vì vậy, khi nhận hỗ trợ từ dự án 7 triệu đồng, gia đình đã mạnh dạn vay thêm tiền từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Định Hóa 15 triệu đồng mua một con trâu trị giá 21.500.000 đồng để chăn nuôi. Hay như trường hợp gia đình ông Phạm Xuân Định, sinh năm 1958 ở xóm An Thịnh 2, xã Đồng Thịnh cũng là một trong số 27 đối tượng NKT được Dự án hỗ trợ. Bản thân ông Định và con trai đều bị bệnh tâm thần, thuộc diện hộ nghèo và kinh tế khó khăn. Hiện, vợ ông là lao động chính trong gia đình, thu nhập chẳng đáng là bao. Được dự án hỗ trợ 7 triệu đồng mua bò, gia đình ông rất phấn khởi vì từ nay ông Định và con trai đã có công việc chăm sóc chăn nuôi bò, không còn đi lang thang như trước nữa. Gia đình ông Nông Chính Thụy sinh năm 1967 ở xóm Thâm Bây, xã Đồng Thịnh cũng được dự án hỗ trợ tiền mua 4 con lợn giống để chăn nuôi, tạo thu nhập trang trải cuộc sống. Bản thân ông Thụy bị khuyết tật hệ vận động, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. “Gia đình tôi sẽ chăm sóc thật tốt để đàn lợn khỏe mạnh. Khi lợn lớn, sinh sản sẽ là nguồn sinh kế bền vững giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo” – ông Thụy chia sẻ.
Bên cạnh đó, để Dự án được triển khai hiệu quả, Trung tâm đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các hộ cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi, cách làm chuồng trại, chế biến thức ăn... Đồng thời, cử nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên tại các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ NKT trong quá trình chăn nuôi để đạt hiệu quả cao nhất. Mặc dù mới được triển khai, song có thể nói, Dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT trên địa bàn 2 xã Bộc Nhiêu và Đồng Thịnh, huyện Định Hóa đã đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với NKT ở khu vực nông thôn. Dự án không những tạo ra “cần câu” mà còn hướng dẫn “cách câu” cho NKT, giúp họ có cơ hội thay đổi cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, tự tin hoà nhập cộng đồng. Nếu tặng NKT một khoản tiền thì chỉ có thể giải quyết nhu cầu trước mắt cho họ. Giúp họ có công việc phù hợp với khả năng sẽ là “chìa khóa” giải quyết vấn đề việc làm, đồng thời tạo nguồn sinh kế bền vững, lâu dài. Gia đình nào có điều kiện sẽ huy động thêm từ các nguồn vốn khác để tự kinh doanh hay chăn nuôi hiệu quả hơn. Số vốn hỗ trợ không nhiều nhưng hiệu quả mà nó mang lại thì rất lớn. Đó là cung cấp nguồn vốn, hướng dẫn cách làm ăn cho NKT để họ được tham gia lao động sản xuất, tạo nguồn thu nhập, nuôi sống bản thân. Và quan trọng hơn là NKT đã và đang tìm thấy nguồn vui trong cuộc sống, dần dần khẳng định giá trị bản thân đối với cộng đồng, xã hội. Dự án cũng mong muốn người thụ hưởng nâng cao trách nhiệm, nỗ lực cố gắng để thực hiện mô hình thành công. Bên cạnh đó, địa phương có đối tượng thụ hưởng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên phân công, giúp đỡ các hộ NKT được hỗ trợ để dự án đạt kết quả cao nhất, tạo điều kiện giúp họ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, xây dựng quê hương.
Người khuyết tật là những đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành và cộng đồng sẽ là nguồn động lực to lớn giúp họ vững tin, vươn lên trong cuộc sống. Dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT tỉnh Thái Nguyên đang trong giai đoạn triển khai thí điểm, trên cơ sở những kết quả bước đầu đạt được và những khó khăn, vướng mắc, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí và chính sách của Trung ương, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm để NKT có một nghề ổn định, tự nuôi sống bản thân. Đồng thời, sau giai đoạn thí điểm, Dự án sẽ được nhân rộng trên khắp địa bàn toàn tỉnh để ngày càng có nhiều NKT được hỗ trợ sinh kế, được hưởng niềm vui, hạnh phúc hòa nhập với cuộc sống.